Từ thành phố Thanh Hóa, đi khoảng 3 giờ đồng hồ, chúng tôi lượn qua vài con dốc ngoằn ngoèo tay áo rồi cũng đến được Pù Luông, xã Cổ Lũng. Tuy là đường nhựa nhưng những khúc cua gấp nhiều cũng làm chúng tôi nôn nao cả ruột gan. Dù vậy khi đến nơi thì phong cảnh nơi đây đã làm vơi đi cái mệt mỏi trên đường.
Nơi đây phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, hòa quyện thác nước, hồ lặng, núi rừng cho ta một thế giới thiên nhiên đầy thi vị. Anh Tuấn, một giáo viên miền xuôi tình nguyện lên bản làng mang con chữ cho đồng bào các dân tộc nơi đây, với tinh thần nhiệt huyết, niềm đam mê mãnh liệt đã cho anh Tuấn có đủ dũng khí, động lực để lên vùng núi heo hút công tác, cùng với đó anh hướng dẫn thêm cho bà con dân tộc nơi đây canh tác đồi nương, chăn nuôi gia xúc, gia cầm.
Nhận thấy Vịt Cổ Lũng là loại vịt cỏ, cỡ nhỏ, thịt săn chắc, ngọt thịt mà có nguy cơ bị tuyệt chủng. AnhTuấn nghĩ ngay đến việc cần phải phục hồi lại đàn vịt quý hiếm này, anh Tuấn tìm khắp từng nhà mua được hơn hai trăm con cả trống lẫn mái về nuôi. Đến khi vịt đẻ anh tự mày mò, học hỏi rồi mua máy ấp trứng về để ấp. Quả là khó khăn cho người mới vào nghề như anh, 176 quả trứng mà anh cho ấp chỉ nở được có 70 con, tuy nhiên đó cũng là thành công bước đầu của anh rồi. Anh Tuấn hớn hở chăm đàn vịt con mới nở như con cưng của mình, anh nhờ bộ phận thú ý của huyện tiêm chủng các loại vacin phòng bệnh cho vịt, rồi học cách chăm đàn vịt con cho tới trưởng thành như thế nào. Ngoài những giờ lên lớp cho con em trong bản, anh Tuấn lại lao ngay ra chuồng trại để chăm nuôi đàn vịt quý của mình. Anh say mê, miệt mài đến nhiều lúc không cả ăn uống nữa. Thấy chồng thích thú như vậy, chị vợ anh Tuấn cũng ủng hộ nhiệt tình, các con anh Tuấn thấy bố ham việc nên ý thức tự giác trong học tập, ăn uống để bố có thời gian chuyên tâm vào công việc của mình.
Được cả gia đình ủng hộ, anh Tuấn như được chắp thêm đôi cánh vững tin để quyết tâm khôi phục bằng được giống vịt Cổ Lũng nổi tiếng này. Anh đấu thầu Hồ Thôn Lọng để làm đại bản doanh cho đàn vịt. Từ những con vịt đầu tiên, anh nhân lên dần dần trở thành đàn vịt lớn. Anh Tổ chức hội thảo vịt Cổ Lũng, mời bà con trong bản đánh giá nhận xét, những con nào không phải vịt Cổ Lũng là anh loại ra, rồi tìm thêm các con giống khác trong bản về để tiếp tục nhân giống tránh để vịt cận huyết. Giờ đây, ngoài nhân giống anh Tuấn đã có vịt thương phẩm để bán, khách du lịch khi đến thác Hiêu, Pù Luông là được thưởng thức món vịt Cổ Lũng thơm ngon danh tiếng

Vịt Cổ Lũng được chăn thả từ chính mảnh đất Cổ Lũng mới có được cái vị đặc trưng của nó, cái vị hòa quyện giữa núi rừng, thác nước và hồ Lọng. Cũng là giống vịt Cổ Lũng nhưng chăn thả ở những địa phương khác thì không thể nào có được chất lượng thịt thơm ngon như vậy.
Để thương hiệu, danh tiếng Vịt Cổ Lũng ngày một vươn xa, trở thành một đặc sản miền quê sơn cước, anh Tuấn đã đi tới quyết định thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn chăn nuôi Vịt Cổ Lũng, vừa sản xuất giống, vừa thịt thương phẩm tạo ra nhiều công ăn việc làm cho bà con dân tộc, vừa thu hút khách du lịch thập phương khi về đến Phù Luông sẽ được thưởng thức món Vịt Cổ Lũng chân truyền./.